DÁNG CAO NGUYÊN


Con đường thẳng tắp chập chùng với những triền dốc thoai thoải, vượt qua vài ngọn đồi cao thấp đan xen, từ phía hướng nam để vào đến thành phố Pleiku. Thành phố vừa thấp vừa cao, chợt lên chợt xuống, buông mình thơ mộng giữa núi đồi cao nguyên 750m – 900m so với mặt biển.

Chẳng biết ai đặt tên “Phố Núi” cho thành phố mộng mơ này. Có lẽ, từ Phố Núi lần đầu tiên xuất hiện là vào năm 1970 với bài thơ “Còn chút gì để nhớ” của thi sĩ Vũ Hữu Định. Số phận của bài thơ và ngay cả từ Phố Núi chắc là đã ở một hướng rẽ khác nếu như không có tài năng của nhạc sĩ Phạm Duy. Ông đã phổ nhạc bài thơ và chuyển thành bản tình ca cùng tên. Từ đó, như một đóa hoa Pơ lăng lẳng lơ chơi vơi giữa nền rừng núi cao nguyên, Pleiku bỗng trở nên lãng mạn lạ thường. Phạm Duy đã khéo chọn nhịp ¾ và điệu boston cho ca khúc. Những phách nhẹ, cao và thấp đan xen nhau, được buông thả đều đặn vào dòng giai điệu giống y như cảnh đồi núi chập chùng lên xuống của Phố Núi này.

Tôi đến Pleiku vào những ngày Hạ chí 2017. Thật khó để tìm hiểu thành phố cũng như văn hóa các dân tộc nơi đây trong khoảng thời gian lưu trú ngắn ngủi. Mặc dù là một trung tâm kinh tế của cả tỉnh Gia Lai nhưng Pleiku lại là một thành phố vô cùng quyến rũ cùng dáng vẻ lãng mạn nhẹ nhàng nơi miền sơn cước.

Pleiku mãi e ấp trong dáng điệu yêu kiều, vẫn mộng mơ giữa đồi núi cao nguyên, nhẹ nhàng mơn trớn nét duyên thì lên lòng người lữ khách. Cơn mưa nhẹ kéo dài cả ngày khiến cho cả thành phố trông như được bao phủ bởi một màu xám dầy đặc. Những đám mây lững lờ trôi ngang qua, dường như ngay trên đầu, khiến cho bầu trời Pleiku trông như “trời thấp thật buồn”, mà cứ tưởng chỉ cần với tay lên là chạm phải trời, cùng ngọn gió cao nguyên dịu mát làm ửng hồng đôi má các cô gái miền cao.

Sự hào phóng của núi rừng ban cho thành phố vẻ thơ mộng hoang sơ. Biển Hồ, chiều dài chiếm gần ½ thành phố, một món quà tuyệt diệu của thiên nhiên giữa núi rừng hoang dã được ví như “cửa sổ tâm hồn” cho thành phố. “Đôi mắt” Pleiku mang màu nâu thẫm của nước, long lanh lên giữa ánh sáng Mặt Trời, đượm nỗi buồn diệu vợi từ nghìn xưa để lại. Con đường lối nhỏ quanh co vòng quanh Biển Hồ đưa người ta lạc vào khu rừng thông ba lá, dường như là còn nguyên sinh. Thấp thoáng đây đó bên hồ là các đồi trà và vườn cà phê được chăm chút cẩn thận bởi bàn tay con người. Những cây thông thẳng mình, như chưa hề chịu khuất phục, vươn lên cao vút tận trời. Và những chiếc lá kim nhỏ nhắn thoát ra từ thân cây phủ kín một màu xanh thẫm vào cả khoảng trời không. Có khi chúng thô ráp như những chiếc que tăm, có khi lại bỗng trở nên mảnh mai, mềm mại như móng tay cô sơn nữ, khẽ đong đưa, nhẹ rì rào trong hương gió thoảng, gieo bao nỗi niềm đắm say một khi phải chia xa.

Không kể các nhóm dân tộc quá ít người, tỉnh Gia Lai là nơi cư trú của ba nhóm dân. Đó là người Kinh, Jarai (gốc Nam Đảo) và Ba Na (gốc Nam Á). Trong khi tỉnh Đăk Lăk, ngoài người Kinh thì người Ê Đê (gốc Nam Đảo) chiếm đa số. Thị xã Pleiku được thành lập từ năm 1929, tuy thế dòng di dân người Việt đã đến đây, cũng như toàn bộ vùng Tây Nguyên, tìm miền đất mới để lập nghiệp dài lâu từ thế kỷ XIX. Dòng người di dân vẫn ngược xuôi đến và đi nối tiếp nhau qua bao thế hệ khiến cho nơi này trở thành biểu trưng cho sự đa dạng, cho sự tương phản và sự pha trộn giữa các nền văn hoá khác nhau, giữa cái mới và cũ, giữa giàu có và nghèo hèn, giữa sang trọng và lam lũ của kiếp người...

Những con đường thoáng rộng mới mở gần đây kiêu hãnh lướt ngang qua các đỉnh đồi tạo thành trục chính của thành phố xen lẫn các con phố xưa, nho nhỏ, uốn quanh bên triền đồi. Pleiku to hơn và rộng hơn, đã không còn là “đi dăm phút đã về chốn cũ” của 50 năm trước.

Không kể những công sở chiếm vị trí tuyệt đẹp ngay giữa trung tâm thành phố, những ngôi nhà mới xây với kiến trúc thật đẹp chen lẫn cùng những căn nhà không tầng xiêu vẹo, nhô ra thụt vào trên lối đi, giống như mảnh đời vất vả mưu sinh, tạo nên một bức tranh nguệch ngoạc phản ành sự tương phản của thành phố. Những hàng cây thông lởm chởm mất còn, thấp cao khác nhau, trên những vỉa hè nhấp nhô dường như chưa xứng tầm với những gì mà thiên nhiên đã ban tặng. Giá chi mọi thứ được nâng niu bởi bàn tay của con người!

Giữa rừng thông ba lá, trời chợt đổ cơn mưa chiều, một nỗi buồn u ẩn xâm chiếm cả lòng người. Nỗi buồn từ những năm tháng xa xưa vang vọng theo nhịp thăng trầm và biến động của lịch sử.

Vào thời xa xưa, Tây Nguyên đã là nơi giao thoa của các dân tộc thuộc hai nền văn hóa và ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau: Nam Á (Austro-Asiatic) và Nam Đảo (Austronesian). Hơn 10.000 năm trước, ngay chính Biển Đông là nơi đã có nền văn minh phát triển. Thế nhưng Trái Đất ấm dần, băng tan và nước biển dâng cao, đến bây giờ là chừng 120m (*) nhấn chìm cả nền văn minh. Cư dân nơi đây, như là các thủy thủ thật sự, phải di chuyển ra khắp mọi nơi trên Thái Bình Dương, quanh các đảo và bán đảo Đông Nam Á, Đài Loan và miền trung Việt Nam (người Champa) và hình thành nhóm dân ngữ hệ Nam Đảo. Trong khi đó, nhóm Nam Á để chỉ ngữ hệ thuộc vùng Ấn Độ, Miến Điện, Thái, Khmer,…

Ngay khi Giao Chỉ chỉ là một phiên trấn nhà Đường thì cư dân nhóm Nam Đảo đã phát triển thành các vương quốc hùng mạnh. Điển hình là vương quốc Champa, dọc theo duyên hải miền trung và Degar của người Rangđê, vùng Tây Nguyên. Đến thế kỷ XIV, Champa bắt đầu suy yếu dần và đến năm 1471, vua Lê Thánh Tôn thực hiện cuộc diệt chủng người Champa sau khi chiếm thành Đồ Bàn. 40.000 người đã bị giết, 30.000 phụ nữ Champa bị đưa sang Đại Việt. Vài chục ngàn người Champa không chịu khuất phục người Việt đã tràn lên Tây Nguyên, hợp chủng với các cư dân nơi đây và hình thành hai dân tộc mới, chỉ ra đời từ thế kỷ XV. Đó là người Jarai và Ê Đê.

Dường như lịch sử đã lặp lại. Ngày xưa, năm 43, sau khi Hai Bà Trưng tuẫn tiết, nhà Nam Hán tràn sang. Những người Việt cổ tiếp tục ở lại đồng bằng chịu sự xâm nhập văn hóa Hán thì trở thành người Việt hiện đại. Trong khi đó, người Việt cổ không chấp nhận người Hán, phải chạy lên miền trung du và trở thành một dân tộc mới. Đó là người Mường.

Lịch sử đã dạy một bài học: sự tàn bạo tạo nên chiến thắng.

Rời Pleiku, theo chuyến xe khách vượt quãng đường 180km để chờ đợi một cánh rừng già nguyên sinh giữa dãy Trường Sơn trước khi vào thành phố Ban Mê Thuột và tôi đã thất vọng. Tất cả chỉ là cỏ mọc sau mưa và những cánh rừng ngay ngắn trông như không thật đan xen cùng nương rẫy bị cày xới và lởm chởm các ngôi nhà ven đường.

Ban Mê Thuột hiện ra như là một trung tâm kinh tế lớn của cả vùng Tây Nguyên. Những con đường ngang dọc ngay ngắn như ô bàn cờ tạo thành khu trung tâm nhộn nhịp tràn đầy sức sống.

Ba thành phố chính tại Tây Nguyên là Đà Lạt, Ban Mê Thuột và Pleiku là ba thế giới hoàn toàn khác nhau tạo nên sự đa dạng và sống động cho cả vùng đồi núi Tây Nguyên Việt Nam.

--------------------------------------------------------------------------------------------

(*): theo Oppenheimer – Vườn Địa đàng ở phương Đông
Hình 1 & 2: Biển Hồ, Pleiku
Hình 3: Thác Dray Nur, Ban Mê Thuột
Hình 4: lối vào thác Dray Nur
Hình 5: một góc quán café Không Gian Xưa, Ban Mê Thuột

Còn chút gì để nhớ (Phạm Duy – Vũ Hữu Định): http://nhac.vui.vn/con-mot-chut-gi-de-nho-elvis-phuong-nhieu-ca-sy-m29052c3p122.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NHỮNG CON ĐƯỜNG THỦ ĐỨC XƯA

1,618: CON SỐ HUYỀN DIỆU

27/01 – NGÀY GIỖ PHẠM DUY

THỦ ĐỨC VÀ TRƯỜNG SƯ PHẠM KỸ THUẬT - NHỮNG NGÀY XƯA

MỘT THOÁNG NHA TRANG

CON NGƯỜI SINH RA ĐỂ SỐNG – CHỨ KHÔNG PHẢI CHUẨN BỊ SỐNG

NẮNG THÁNG TƯ

SÀI GÒN – KHI CHIỀU ĐÃ TẮT MÀ ĐÊM CHƯA VỀ

TÙY BÚT BÊN CHÙA THIÊN MỤ