NHỮNG CON ĐƯỜNG THỦ ĐỨC XƯA


Hơn 100 năm trước, con đường đã từng in đậm dấu hờn tủi của tàn binh Việt.

Một chiều, chạy xe loanh hoanh Thủ Đức, trời chợt đổ mưa như trút, nhìn xuống phố cảm thấy chơi vơi như trên dòng sông chảy xiết. Tấp vội vào một quán café và những kỷ niệm xa xưa hiện về.

Ngày xưa, Ba chở tôi đi Biên Hòa là ghé qua Thủ Đức, đoạn Dốc Gà Quay, ăn tô phở và vài miếng nem. Thủ Đức đã từng nổi tiếng với “Làng Nem” mà nay đã mai một đến không còn lại một dấu vết gì. Có thể cách thưởng thức hương vị của con người đã thay đổi theo năm tháng nhưng đối với tôi cái vị chua ngọt mà nồng ấm không thể phôi pha sau hơn 40 năm dài.

Thời vua Minh Mạng, Thủ Đức là huyện Ngãi An thuộc tỉnh Phước Tuy, về sau nhập về tỉnh Gia Định. Một người Hoa (Minh hương), tên Tạ Dương Minh (còn gọi là Tạ Huy), tự bỏ tiền xây một cái chợ đặt tên là danh hiệu của mình, Thủ Đức. Từ đó “Chợ Thủ Đức” dần dần lấn át Ngãi An. Ngày nay, Thủ Đức như một vùng đất lành, bao thế hệ con người tứ phương, ngay cả các thế hệ sinh viên các trường học đóng trên địa bàn Thủ Đức, đã đến và lập nghiệp dài lâu.

Con đường từ Bình Triệu đến Biên Hòa (mà đoạn thuộc Thủ Đức nay là Kha Vạn Cân) là một con đường đặc biệt vì nó có hai tên, vừa là Quốc lộ 1 thời đó vừa là đường Nguyễn Tri Phương mà hơn 100 năm trước in đậm dấu hờn tủi của tàn binh Việt.

Thành Chí Hòa (nay gọi là Kỳ Hòa, quận 10 TPHCM) kiên cố, kiêu hãnh thách thức sự xâm lăng của người Pháp dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương chỉ đứng vững trọn một ngày. Tối ngày 25/2/1861 thành Kỳ Hòa thất thủ với vài ngàn quân Việt đã hy sinh, trong khi người Pháp chỉ mất 12 tên lính. Nguyễn Tri Phương kéo tàn binh còn lại vượt qua hỏa lực của người Pháp về thành Biên Hòa. Như để tưởng niệm một trận chiến không cân sức, con đường tháo chạy này được mang tên Nguyễn Tri Phương.

Sau đó, Nguyễn Tri Phương ra Bắc và mất trong lần tử thủ thành Hà Nội lần thứ nhất, ngày 20/12/1873. Một vị tướng khác mà lịch sử cũng đã có một thời gắn liền với Thủ Đức là Hoàng Diệu. Ông đã tự vẫn trong lần thất thủ thành Hà Nội lần thứ hai, ngày 25/4/1882.

Ai trong số chúng ta có thể nghĩ rằng Thủ Đức đã từng là một nơi lưu danh hai vị tướng cam đảm, uy danh mà số phận lại nghiệt ngã với hai con đường lớn nhất được đặt tên lúc bấy giờ và giao nhau tại trung tâm thị trấn? Hôm nay, Võ Văn Ngân đã thay tên Hoàng Diệu và Kha Vạn Cân thay thế Nguyễn Tri Phương.

Làng Đại Học đã từng mang một ý nghĩa văn hóa rất đặc biệt cho cả Sài Gòn trong những năm 1950 – 1960. Tiếc thay, đến nay, nó chỉ còn là những con đường đẹp nhất Thủ Đức với cách đặt tên rất ấn tượng. Đường nằm ngang là tên các danh nhân văn hóa như Einstein, Tagore,..., đường dọc là tên những ước mơ của nhân loại như Công Lý, Dân Chủ, Bác Ái. Lại không hiểu tại sao Tự Do lại thay thế bởi tên đường Nguyễn Văn Bá?

Có thể nói rằng số lượng các trường trung học không thay đổi là mấy sau mấy chục năm mặc dù dân số Thủ Đức tăng lên không biết bao lần. Thủ Đức đã từng nổi tiếng với trường trung học Thủ Đức, sau đổi tên thành Hoàng Đạo và bây giờ là trường Nguyễn Hữu Huân. Trong khi đó, trường Trung học Thủ Đức bây giờ thì ngày trước có tên là trường Đức Minh.

Không thể nói hết những gì đã thay đổi trong vỏn vẹn một trang giấy. Tuy nhiên, đôi khi, những cái đã mất vẫn khiến lòng người luyến tiếc. Sự thay đổi luôn là tất yếu và vẫn mong Thủ Đức sẽ đẹp hơn.

Tham khảo và hình ảnh từ:

Wikipedia
http://namrom64.blogspot.com
http://trunghocthuduc.com
http://quanthoigian.forumvi.com
https://hoamunich.wordpress.com

Hình 1: Trong khuôn viên Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật
Hình 2: Trường nữ tiểu học, nay là trường Nguyễn Trung Trực
Hình 3: Trường nam tiểu học, nay là trường Lê Quý Đôn
Hình 4: Trường phổ thông Thủ Đức, nay là Trung học Phổ thông Nguyễn Hữu Huân

















Nhận xét

  1. Không phải là Dốc Cầu Quay mà là Dốc Gà Quay, tên này do người dân địa phương tự gọi như vậy vì đầu dốc có nhà hàng Ba Con Gà Quay (còn gọi là Quán Gà Quay). Trước 1975 nhà hàng này thường có giới văn nghệ sĩ ghé ăn, cửa quán là khu đồi rộng cây cổ thụ nay là Nghĩa trang Liệt sĩ xây chắn mất cửa nhà hàng và đường lớn vào khu cư dân bên trong nơi tôi sống. Hồi nhỏ tôi học Trường nam tiểu học rồi Trung học Thủ Đức (ngày xưa dường như là Đức Minh chứ không phải Minh Đức).

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi đã sửa lại Dốc Gà Quay. Tôi cũng tìm trên mạng tài liệu là xưa kia, trước 1975, trường Trung học Thủ Đức bây giờ, có tên là trường Đức Minh, và cũng đã sửa lại trong bài viết. Rất cám ơn anh. Đây là đường link mà tôi đã xem: https://m.facebook.com/trunghocphothongthuduc/posts/484042064977101

      Rất cám ơn anh vì các thông tin bổ ích

      Xóa
  2. Không phải là Dốc Cầu Quay mà là Dốc Gà Quay, tên này do người dân địa phương tự gọi như vậy vì đầu dốc có nhà hàng Ba Con Gà Quay (còn gọi là Quán Gà Quay). Trước 1975 nhà hàng này thường có giới văn nghệ sĩ ghé ăn, cửa quán là khu đồi rộng cây cổ thụ nay là Nghĩa trang Liệt sĩ xây chắn mất cửa nhà hàng và đường lớn vào khu cư dân bên trong nơi tôi sống. Hồi nhỏ tôi học Trường nam tiểu học rồi Trung học Thủ Đức (ngày xưa dường như là Đức Minh chứ không phải Minh Đức).

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dạ, cám ơn anh Song Nguyen a.

      Xóa
    2. Tôi đã sửa lại Dốc Gà Quay. Tôi cũng tìm trên mạng tài liệu là xưa kia, trước 1975, trường Trung học Thủ Đức bây giờ, có tên là trường Đức Minh, và cũng đã sửa lại trong bài viết. Rất cám ơn anh. Đây là đường link mà tôi đã xem: https://m.facebook.com/trunghocphothongthuduc/posts/484042064977101

      Rất cám ơn anh vì các thông tin bổ ích

      Xóa
    3. Xin lỗi phải anh Song Nguyễn học Trường Nam Thủ Đức từ 1970 - 1975 không? Tks

      Xóa
  3. xin chào anh Tan Vo, cho tôi hỏi địa giới trước năm 1975 của Thủ Đức ra sao? Và con đường Thiên Lý cũ (đường từ Sài Gòn - Thủ Đức) giờ có phải là quốc lộ 1A không anh? (cho hình bản đồ càng tốt nhé anh)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tiếc là trong tay tôi không có bản đồ xưa để gởi cho anh. Trước năm 1975 (hình như là từ khoảng 1963 đến 1975), Thủ Đức chỉ bao gồm quận Thủ Đức và quận 9 bây giờ. Trước 1975, đô thành Sài Gòn gồm 11 quận (từ 1,2....11). Tỉnh Gia Định gồm các quận huyện có tên chữ bao quanh Sài Gòn mà trung tâm Gia Định ở quận Phú Nhuận. Mọi chuyện bắt đầu rối lên từ sau 1975 khi TPHCM được thành lập gồm Sài Gòn + Gia Định + Cần Giờ.

      Cần Giờ ngay sau 1975 được gọi là huyện Duyên Hải. Các quận nội thành cũng thay đổi: quận 1 (trước 1975 - từ Dakao đến chợ Bến Thành) và quận 2 (từ Bến Thành đến Nguyễn Văn Cừ (tên là đường Cộng Hòa khi xưa)) sáp nhập lại thành quận 1 mới. Quận 7 và 8 sáp nhập thành quận 8 mới. Quận 9 (trước 1975 là khu An Khánh - Thảo Điền bây giờ) sáp nhập vào Thủ Đức.

      Như vậy, sau 1975, tên các quận 2, 7 và 9 bị biến mất. Thủ Đức rộng như ngày xưa. Đến năm 1997, các quận 2, 7, và 9 được thành lập lại, tuy nhiên khác trước 1975 một chút. Quận 7 như cũ, như trước 1975. Quận 2 mới bây giờ thì ngày trước là quận 9. Quận 9 mới là một phần của Thủ Đức được tách ra. Vậy từ 1997, Thủ Đức có diện tích nhỏ nhất trong lịch sử của nó.

      Quốc lộ 1A cũng được gọi là quốc lộ 1, nó luôn thay đổi trong đoạn từ Biên Hòa đến Long An. Trước 1975, QL 1 chỉ đến Sài Gòn, từ Sài Gòn đến các tỉnh miền tây là QL4. Ngày xưa, Thủ Đức chỉ phát triển quanh Ngã Năm nên QL1 chạy ngang qua đây đến Bình Triệu rồi vào Sài Gòn (mà bạn gọi là đường Thiên Lý đó). Bạn nói đúng đó. Các cột mốc cây số luôn được tính từ Bưu điện. Đoạn từ Biên Hòa (qua cầu Hóa An) kéo dài đến Thủ Đức - Bình Triệu - Sài Gòn là QL1, mà còn có tên là Nguyễn Tri Phương.

      Tôi tìm các tài liệu trên internet nhưng không thấy ai nhắc đến tên đường Nguyễn Tri Phương đó, cũng là một phần QL1. Tôi chỉ viết theo trí nhớ vì trước 1975, ba tôi làm việc ở BH hay chở tôi đi theo đường này, các bảng tên đường đều ghi QL1 hay Nguyễn Tri Phương.

      Sau này, khi người ta xây dựng Xa lộ Biên Hòa (Xa lộ Hà Nội bây giờ) thì QL1 không theo tuyến cũ nữa mà từ Biên Hòa - Xa lộ Hà Nội - Sài Gòn.

      Bây giờ thì Xa lộ Hà Nội không còn là một phần QL1 nữa.

      Xóa
  4. Cho tôi hỏi là anh sinh năm bao nhiêu vậy? Nếu người ta nói vị trí nằm ở giữa đường từ Sài Gòn -> Thủ Đức (theo đường Thiên Lý cũ) thì chỗ đó là ở đâu anh biết không? Mà đường Thiên Lý cũ từ khúc cầu Bình Triệu 1 cho đến Chợ Thủ Đức có phải là đường Kha Vạn Cân song song với Phạm văn Đồng bây giờ không (chỗ có đường thiết lộ phải không anh)?
    Anh có biết vì sao bỗng dưng tôi lại quan tâm không? Vì tôi muốn tìm lại dấu vết tích của quán cây dương (biệt thự cổ thời xưa là bốt tra tấn của phòng Nhì quân Pháp) trong tác phẩm Cõi Âm Nơi Quán Cây Dương của chú Bình Nguyên Lộc. Ngày đó anh đi với ba lúc đó anh có thấy cái biệt thự cổ hay khu nào có nhiều phi lao (cây dương) không vậy? Xin cám ơn anh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng như anh nói, đó là đường Kha Vạn Cân mà ngày trước hoàn toàn khác so với bây giờ. Lúc đó chưa có đường Phạm Văn Đồng (chỉ mới xây từ khoảng chưa tới 10 năm nay). Có lẽ là những dấu vết khi xưa mà anh nói đến nay không còn gì nữa. Con đường đã hoàn toàn khác hẳn so với ngày xưa.

      Năm 1974 - 1975, tôi 11 - 12 tuổi chỉ mới có nhận thức được chút ít, không nhớ nhiều. Tuy nhiên, các năm 1981, 82, 83, tôi học ở ĐHQG (bây giờ) nên có dịp đi ngang qua đường Kha Vạn Cân thường xuyên. Tôi nghĩ như thế này:

      Từ Bình Triệu đến cầu Gò Dưa. Khu này dân cư tương đối đông đúc từ thời Pháp. Thời đó đã có chợ Bình Triệu, còn có tuyến xe lửa chạy song song với con đường nữa nên có lẽ không thể có quán Cây Dương mà anh nói.

      Từ cầu Gò Dưa đến chợ Thủ Đức. Thường là nhà vườn, cũng hình thành lâu đời, với các quán nem nổi tiếng từ thời Pháp thuộc nên có lẽ cũng không thể có quán Cây Dương được.

      Từ chợ Thủ Đức đến cầu vượt Linh Xuân (bây giờ): đoạn này rất vắng vẻ. Phía tây con đường chỉ là ruộng lúa, hay đồng trống. Bên phía đông chỉ lác đác các biệt thự. Đến chỗ gần cầu vượt Linh Xuân (Kha Vạn Cân giáp với Xa lộ Đại Hàn) thì như một khu rừng mà hiện nay là khu Công Nghiệp Linh Trung. Không biết có phải là rừng dương hay không nhưng khung cảnh rất ma quái mà tụi tôi chạy ngang qua vào buổi trưa mà còn sợ ma. Tôi cũng vào khu rừng đó (khu công nghiệp Linh Trung bây giờ) vài lần để cắm trại chung với các bạn. Nói chung là không khí rất ma quái với những câu chuyện ma từ thời Pháp mà một bác tiều phu ở một mình trong đó kể cho tụi tôi nghe, một cách không đầu không đuôi. Phía bên kia của đường Kha Vạn Cân có một cái am nhỏ giữa đồng trống, cũng rất kỳ lạ.

      Nói chung, khu vực Kha Vạn Cân - cầu vượt Linh Xuân có một không khí đáng sợ mà có lẽ rừng dương như anh nói nắm ở chỗ đó. Vượt qua cầu vượt Linh Xuân là Đường Sơn Quán là một khu giải trí cao cấp từ trước 1975. Trước khi là Đường Sơn Quán thì nó là gì thì tôi cũng không biết nhưng bao quanh Đường Sơn Quán vẫn là một không khí cũng đáng sợ.

      Có lẽ quán Cây Dương mà anh nói chỉ quanh quẩn khu vực đó thôi.

      Thân

      Xóa
    2. Em đoán bốt phòng Nhì đó chính là trại giam Thủ Đức hồi trước 75. Nay là CAQ Thủ Đức.

      Xóa
    3. Chắc là vậy đó!

      Xóa
    4. Có thể bót đó nằm trên địa phận quận Bình Thạnh bây giờ chỗ ngay khúc cầu Băng Ky. Tôi nghĩ: 1 là trại tạm giam công an quận Bình Thạnh bây giờ. 2 là căn biệt thự cổ ngay góc Trần Quy Cáp- Nơ Trang Long. Bởi cự ly Sài Gòn- Thủ Đức theo cách tính thời trước là từ bưu điện tp tới bưu điện Thủ Đức ( cũng ngay chợ luôn) thì đoạn cầu Băng Ky là giữa đường thiên lý cũ.

      Xóa
  5. Cho mình hỏi Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu đã góp công bảo vệ trên Thủ Đức ngày xưa nhưng mình tìm thì lại không thấy của Hoàng Diệu và của Nguyễn Tri Phương lại là ở quận 10 ngày nay, vậy mình đang làm về những nhân vật lịch sử liên quan đến Thủ Đức nay thì có nên chọn 2 nhân vật này không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không ông nào bảo vệ Thủ Đức thời ấy cả. Vấn đề là tôn vinh các nhân vật lịch sử và cách đặt tên đường rất hay thời ấy. Thân chào

      Xóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

1,618: CON SỐ HUYỀN DIỆU

27/01 – NGÀY GIỖ PHẠM DUY

THỦ ĐỨC VÀ TRƯỜNG SƯ PHẠM KỸ THUẬT - NHỮNG NGÀY XƯA

MỘT THOÁNG NHA TRANG

CON NGƯỜI SINH RA ĐỂ SỐNG – CHỨ KHÔNG PHẢI CHUẨN BỊ SỐNG

NẮNG THÁNG TƯ

SÀI GÒN – KHI CHIỀU ĐÃ TẮT MÀ ĐÊM CHƯA VỀ

TÙY BÚT BÊN CHÙA THIÊN MỤ

DÁNG CAO NGUYÊN