MÙA THU THÁNG CHÍN
Thời tiết tháng chín bỗng thay đổi lạ thường. Đôi khi là những cơn nắng đổ lửa đến khó chịu. Đôi khi lại là những đợt mưa xối xả như muốn nhấn chìm mọi thứ vào lòng biển nước. Tự hỏi mình, chẳng biết được mùa thu hay mùa bão giông đang kéo đến.
Dù sao thì Sài Gòn đã dịu mát hơn so với mấy tháng qua và đôi khi người ta cũng có thể cảm nhận được cái se lạnh dưới một cơn mưa nào đó. Nơi này chỉ có hai mùa mưa – nắng nên người Sài Gòn không thể cảm nhận được tiết thu đượm buồn trong hương vị của gió cũng như cảnh rực rở của mùa xuân chưa từng một lần đến với dải đất này.
Sáng qua, tôi tiễn đưa một người bạn lên đường định cư Mỹ. Rong ruổi trên đường đời, lần đầu tiên gặp lại sau 20 năm lại là lời từ biệt. Tôi hỏi bạn: “Quá tuổi 50 rồi, sao lại ra đi?” và bạn đáp lại: “Ngày xưa, tụi mình cứ như con ngựa bị che mắt, chỉ được nhìn thẳng về phía trước để an tâm chở hàng. Bao nhiêu khát khao, ước vọng để khám phá thế giới thì nay xin dành lại cho con cái. Thế hệ tụi mình đã lỡ thì rồi”.
Biết bao thế hệ Việt đã không thể được sống trọn mà một phần cuộc đời của họ lại dành cho con cái. Ước mơ và hoài bão đã bị chôn vùi cùng bước thăng trầm của lịch sử và đến ngày hôm nay thì vẫn vậy.
Bạn tôi không phải là ngoại lệ mà chỉ là đang hòa vào dòng người Việt đang ra đi. Từ năm 1990 đến nay đã có 2,6 triệu người Việt định cư nước ngoài (a). Nếu tính cả số người cư trú bất hợp pháp và những người đã chết trên đường vượt biên thì từ 1975 đến nay, có lẽ, khoảng 5 triệu người Việt đã từ bỏ quê hương. Tôi chợt nhớ một câu thơ của Vũ Anh Khanh (1926 – 1956):
Bao năm qua khói loạn phủ mịt mù!
Người nước Việt ra đi vì nước Việt.
Hôm nay, người Việt có ra đi vì nước Việt? Những người Việt ra đi cũng giống như những chiếc lá lìa cành vào mỗi độ thu về để lại thân cây trơ trụi. Đất nước đã quá chật chội không đủ chỗ cho mọi người cùng sống. Trong cảnh nêm chặt người và người, người ta cố vươn cao hơn một chút để cố hớp lấy một ít không khí để thở và nếu ai đó đã hít thở được rồi thì có cái cảm giác an lạc như đang tuôn chảy trong huyết quản của mình.
Hàng vạn, hàng vạn chiếc lá lìa cành trong ngọn gió vu vơ đã tạo nên mùa thu ảm đạm. Tuy thế, mùa thu không chỉ mang đến nỗi buồn. Mùa thu còn là mùa của sắc màu diễm tuyệt đọng trên tàng lá khiến cho mùa thu giống như một bức tranh thủy mặc kiều diễm được pha trộn bởi tông màu sáng tự nhiên chen lẫn không gian man mác u buồn.
Dọc những đường thu muôn nẻo ấy,
Rất nhiều nghệ sĩ nhớ xa xôi. (Quang Dũng)
Hay:
Em không nghe rừng thu,
Lá thu kêu xào xạc.
Con nai vàng ngơ ngác,
Đạp lên lá vàng khô. (Lưu Trọng Lư)
Tháng chín cũng là mùa tựu trường. Các em nhỏ đến trường bằng các phương tiện khác nhau. Những ngôi trường khác nhau, chiếc cặp khác nhau, đôi dép khác nhau và tâm trạng khác nhau tạo nên một bức tranh bất bình đẳng giữa các em với nhau. Giáo dục đã không thể nâng tầm người Việt lên cao vì sự định hướng lạc lõng trên đường hội nhập thế giới.
Cái đáng sợ không phải là thực trạng xã hội hay thực trạng giáo dục hiện nay mà là những suy nghĩ khô cằn như đã từng khô cằn vẫn đang ngự trị. Và sự sáng tạo không bao giờ đến từ các trại sáng tác.
(a). http://vietnamfinance.vn/tai-chinh-quoc-te/moi-nam-gan-100-nghin-nguoi-viet-di-cu-ra-nuoc-ngoai-20160722095009241.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét