27/01 – NGÀY GIỖ PHẠM DUY


Để có thể thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên thì bạn nên trở thành một phượt thủ trên chiếc xe gắn máy. Để có thể đắm say cảnh trùng điệp của núi non lẫn thổn thức cùng điệu ca, câu hò thì bạn nên lê bước chân phiêu bạt cùng người lữ khách lang thang từ bắc chí nam trong trường ca “Con Đường Cái Quan” của Phạm Duy (1921 – 2013).

Phạm Duy là một trong số rất ít nhạc sĩ Việt Nam kết hợp được cái tinh túy của âm nhạc cổ truyền từ mọi vùng miền với âm nhạc tây phương để tạo nên vẻ đẹp quê hương qua các ca khúc. Ông đã làm hồi sinh những làn điệu dân ca khiến nó trở thành kinh điển, không thể bị mai một bởi dòng thời gian, như “Qua cầu gió bay”, “Se chỉ luồn kim”, “Nụ tầm xuân” hay “Cây trúc xinh”. Ngoài ra, ông còn để lại rất nhiều thể loại dân ca khác nhau như “Đố ai” hay “Hẹn hò” mà về số lượng hay mức độ phổ biến, không thể có một nhạc sĩ nào khác có thể sánh bằng.

Người Sài Gòn đã từng nhiều lần bị mê hoặc bởi những bài tình ca Phạm Duy mà dòng nhạc có khi bay bướm như một chiếc lá thoảng nhẹ bay như “Cây đàn bỏ quên”, "Phương yêu", có khi đau khổ như một mối tình bị đánh cắp “Còn gì nữa đâu”, “Khối tình Trương Chi”, có khi nhớ nhung xa cách như “Bên ni bên nớ”, “Tìm nhau”, có khi lại là một nỗi buồn man mác như “Tuổi biết buồn”, "Phố buồn".

Có thể nói ông là một nhạc sĩ phổ nhạc từ thơ nhiều nhất và hay nhất. Đã có những bài thơ tưởng chừng vô danh nhưng qua bàn tay Phạm Duy lại trở nên bất tử như “Thuyền viễn xứ” của một thời xa xưa. Có thể nói là nét nhạc của Phạm Duy đã đưa những bài thơ đi vào lòng người. Người ta đã biết nhiều đến “Ngậm ngùi”, “Tiếng sáo thiên thai”, “Cô hái mơ”, “Ngày xưa Hoàng Thị”, “Em hiền như Ma Soeur”, “Cô bắc kỳ nho nhỏ”, “Thà như giọt mưa”… không phải từ các bài thơ mà chính là ca khúc đã phổ nhạc bởi Phạm Duy.

Với di sản đồ sộ được để lại mà không một nhạc sĩ nào sánh được, khoảng 1.200 ca khúc, với rất nhiều thể loại khác nhau mà phần lớn trong số đó đã làm mê hoặc lòng người khiến cho ông không thể ngồi cùng mâm với bất cứ nhạc sĩ nào khác trong bữa tiệc âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX.

Tuy vậy, lịch sử đã không công bằng với ông. Tên ông và các ca khúc đã từng bị cấm nhắc đến. Dẫu vậy, người ta vẫn nghe và hát nhạc Phạm Duy, giống như cái tên Herostratos năm xưa, kẻ đốt đền nữ thần Arthemis vào năm 356TCN, một trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại, vẫn luôn sống mãi mặc dù đã bị cấm nói đến cái tên từ phán quyết của thành bang Hy Lạp.

Cuối cùng, “Mùa thu chết” cũng phải đến như cụm hoa thạch thảo dần tàn phai giữa những ngày đón xuân từ 4 năm trước. Ông đã vĩnh viễn ra đi ngày 27/01/2013, nhằm ngày 17 tháng Chạp âm lịch.

Nhạc Phạm Duy (chưa đầy đủ): https://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%E1%BA%A1c_Ph%E1%BA%A1m_Duy

Bên ni bên nớ: http://nhac.vn/ben-ni-ben-no-khanh-ly-so4YMoB

Tình ca: http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/tinh-ca-pham-duy-1969-thai-thanh.-QsMSqX70s.html

Con đường cái quan 1 (miền bắc): http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/con-duong-cai-quan-1-tu-mien-bac-pham-duy-va.MWO949zjmS.html

Cho nhau: http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/cho-nhau-tuan-ngoc.yuW_OYuS2t.html

Thuyền viễn xứ: http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/thuyen-vien-xu-pham-duy-le-thu.123tHLj_yv.html

Tuổi biết buồn: http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/tuoi-biet-buon-ngoc-chanh-pham-duy-thai-hien.vBrEauBfNW.html

Đố ai: http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/do-ai-pham-duy-y-lan-ft-vu-khanh.4jE8LIKIpA.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NHỮNG CON ĐƯỜNG THỦ ĐỨC XƯA

1,618: CON SỐ HUYỀN DIỆU

THỦ ĐỨC VÀ TRƯỜNG SƯ PHẠM KỸ THUẬT - NHỮNG NGÀY XƯA

MỘT THOÁNG NHA TRANG

CON NGƯỜI SINH RA ĐỂ SỐNG – CHỨ KHÔNG PHẢI CHUẨN BỊ SỐNG

NẮNG THÁNG TƯ

SÀI GÒN – KHI CHIỀU ĐÃ TẮT MÀ ĐÊM CHƯA VỀ

TÙY BÚT BÊN CHÙA THIÊN MỤ

DÁNG CAO NGUYÊN