BƯƠM BƯỚM

Những đêm mưa dài nối tiếp nhau khiến cho đất trời mang màu ảm đạm. Mong cho ngày tháng trôi mau, tiễn biệt 2020, để chờ đón những ngày tươi sáng.

Sài Gòn, trong những ngày phủ kín những cơn mưa, tôi lại nhớ về cơn mưa lòng tê tái trong bài thơ “Cô hàng xóm” của Nguyễn Bính từ 80 năm trước mà một đoạn của bài thơ như thế này:

Tầm tầm trời cứ đổ mưa,
Hết hôm nay nữa là vừa bốn hôm.
Cô đơn buồn lại thêm buồn,
Tạnh mưa bươm bướm biết còn sang chơi?...

Cái “giậu mồng tơi xanh rờn” đặt giữa hai nhà làm chùng bước gã si tình. Thế nhưng, may thay! Lại còn có con bướm. Con bươm bướm đã bước vào thi ca như một người “đưa tin tình yêu” tuyệt vời của “cô hàng xóm”.

Con bướm vàng cũng đã hiện diện trong dòng kẻ nhạc. Thế hệ của tôi, 50 năm trước, lũ trẻ con, ai cũng hát bài “Kìa con bướm vàng” được dịch từ bản tiếng Pháp: “Frère Jacques, frère Jacques. Dormez-vous? Dormez-vous?”:

Kìa con bướm vàng! Kìa con bướm vàng!
Xòe đôi cánh, xòe đôi cánh.
Tung cánh bay năm ba vòng, tung cánh bay năm ba vòng.
Bên hàng bông!

Những con bướm trắng thanh cao hay kiêu kỳ cũng đã xuất hiện trong các tác phẩm của Nhất Linh, Khái Hưng cũng từ hơn 80 năm trước. Rồi đến những con bướm đen, chuyên cho hồn ma mượn xác, đờ đẫn đậu phía sau nhà. Và cả những con bướm đêm, đứng đợi giữa dòng đời, lang thang khắp hè phố giữa cuộc mưu sinh…

Thế nhưng, kỳ lạ thay! Con bướm cũng là đối tượng của toán học, lý thuyết nhiễu loạn, làm dấy lên những tranh luận triết học về luật nhân – quả, được biết với tên “Hiệu ứng bươm bướm” (Butterfly Effect): Một cái đập cánh của con bướm nơi rừng rậm Amazon, Brazil, có tạo nên những cơn bão khủng khiếp ở miền Texas nước Mỹ hay không?

Năm 1961, Edward Lorenz, nhà khí tượng học người Mỹ, thực hiện một chương trình mô phỏng trên máy tính để dự báo khí tượng cho khoảng chừng vài chục ngày sau. Điều kiện ban đầu của bài toán, gồm hàng chục ngàn số liệu đo đạc thực tế hoặc được nội suy, thường được sử dụng với 6 con số có nghĩa sau dấu phẩy (chẳng hạn con số là 0,506127m). Thế nhưng nếu làm tròn nó đến chỉ còn 3 con số có nghĩa sau dấu phẩy (thành 0,506m) thì kết quả hoàn toàn khác biệt, đến mức thay đổi hoàn toàn, so với kết quả ban đầu.

Điều này cũng giống như tổ tiên người Việt đã từng nói: “Sai một ly đi một dặm”. Một sai số quá bé, dường như không đáng kể, không thể nhận thức được, lại gây ra những khác biệt vô cùng lớn trong tương lai. Thế nên, một con bướm nào đó ở Amazon, một ngày nọ bỗng đập cánh nhanh hơn một chút, liệu có thể gây ra những cơn bão khủng khiếp ở Texas hay không!

Thế nên, cái định hướng ban đầu là điều hết sức quan trọng. Chính vì cái định hướng như thế này làm tôi nhớ lại, hơn mười năm trước, tôi đã từng nghe giáo sư Phạm Phụ nói: “Giáo dục Việt Nam không phải là lạc hậu mà là đã lạc đường rồi”. Lạc hậu thì còn cố để theo kịp các nền giáo dục khác nhưng lạc đường thì không thể. Tất cả cũng vì chỉ sai một ly thôi!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NHỮNG CON ĐƯỜNG THỦ ĐỨC XƯA

1,618: CON SỐ HUYỀN DIỆU

27/01 – NGÀY GIỖ PHẠM DUY

THỦ ĐỨC VÀ TRƯỜNG SƯ PHẠM KỸ THUẬT - NHỮNG NGÀY XƯA

MỘT THOÁNG NHA TRANG

CON NGƯỜI SINH RA ĐỂ SỐNG – CHỨ KHÔNG PHẢI CHUẨN BỊ SỐNG

NẮNG THÁNG TƯ

SÀI GÒN – KHI CHIỀU ĐÃ TẮT MÀ ĐÊM CHƯA VỀ

TÙY BÚT BÊN CHÙA THIÊN MỤ

DÁNG CAO NGUYÊN